12/8/15

Thảo "organic"

Vợ lại được lên báo Biểu tượng cảm xúc smile. Trồng rau hữu cơ nên giờ có nickname là Thảo organic.

33 tuổi, Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Mùa, làm chủ hai cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica tại TP.HCM, một trang trại trồng rau sạch organic rộng 1,8ha ở Long Thành, Đồng Nai và một vườn trồng rau ôn đới hơn 1.200m2 tại Xuân Thành, Đà Lạt.

Vì lo nên mở cửa hàng
Thảo kể: "Khi mang thai, ba tháng đầu tôi ốm nghén, chỉ ăn được rau, nhất là rau sống, nên rất lo, sợ rau không sạch sẽ ảnh hưởng đến em bé.
Thế là tôi mày mò tìm trên mạng, thấy rau sạch hữu cơ (organic) là không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giống biến đổi gen, môi trường canh tác cũng phải sạch, đất, nước không bị nhiễm kim loại nặng, vườn không ở vùng ô nhiễm hay ở gần vườn trồng rau truyền thống phun thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật...


Với các tiêu chí này, rau hái xong, rửa sơ qua là có thể ăn nên tôi ấp ủ giấc mơ gầy dựng một cửa hàng rau và thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe".
Một buổi tối, trên đường đi học tiếng Anh, thấy một cửa hàng bán quần áo treo bảng sang tiệm, gom góp tiền bạc, Thảo mở cửa hàng đầu tiên trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 và tìm hiểu kiến thức về rau organic.
Lúc đó tại Việt Nam chỉ có gạo Hoa Sữa và một công ty dược có trà sản xuất theo organic nhưng để xuất khẩu. Thảo tìm đến đề nghị hợp tác và cửa hàng đầu tiên chỉ mới phân phối hai sản phẩm này.
Tình cờ sang Lào, thấy vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, người dân ở đây tụ tập trước cửa chùa Vàng bán sản phẩm organic tự trồng như gạo, trà, rau, mướp..., Thảo mơ ước cũng làm một phiên chợ organic như vậy tại Việt Nam để kết nối với nhiều nông dân và giúp người tiêu dùng có cơ hội mua sản phẩm.
Để mở rộng danh mục, Thảo tìm đến các nhà cung cấp ở Lào để mua sản phẩm organic, rồi nhập thêm các loại đậu, dầu ôliu, sữa hạnh nhân, yến mạch, sữa gạo... ở nhiều nước khác về phân phối. Chỉ một thời gian ngắn, cửa hàng của Thảo đã có gần 500 mặt hàng.
Khi có nhiều sản phẩm, Thảo mới nhận ra người tiêu dùng không phân biệt được thực phẩm organic khác với thực phẩm sạch như thế nào. "Thậm chí, ngay cả khi có bảng phân tích rau hữu cơ, cả người bán lẫn người mua đều không biết có giá trị không vì chưa có cơ quan nào cấp giấy chứng nhận.
Vì vậy, tôi quyết định phải trồng rau để kiểm soát chất lượng và ổn định nguồn hàng", Thảo nói. Song, động lực lớn hơn khiến Thảo quyết tâm làm trang trại là khi nhập thực phẩm hữu cơ, nhiều công ty nước ngoài ngạc nhiên hỏi: "Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nhiều trái cây nhiệt đới, tại sao phải nhập rau quả organic?".
Thảo chia sẻ: "Để học hỏi thêm, tôi sang Malaysia tham quan công viên Organic, xem cách họ đóng gói, bảo quản sản phẩm". Các chuyến đi không chỉ để học hỏi mà còn cho Thảo nhiều cơ hội, như lần đi Thượng Hải tham dự Hội nghị Organic quốc tế, Thảo có thêm nhiều nguồn hàng tốt và tìm hiểu nhu cầu của người dân nơi đây để xuất sản phẩm, ví dụ như hành, tỏi...
Vất vả với trang trại
"Bắt tay vào làm trang trại mới thấy nhiều cái khó và vất vả”, Thảo cho biết. Từ người chỉ làm phân phối, bây giờ phải làm việc với nông dân, nhổ cỏ bằng tay, học cách ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật từ sinh vật và các cây cỏ dược liệu, dựng nhà lưới, xây dựng hệ thống tưới tiêu, xây nhà ở cho nông dân và khó nhất là tìm được người biết làm organic.
Đặc biệt, phải biết cách xoay vòng vốn, bởi làm trang trại rau hữu cơ đòi hỏi vốn lớn gấp nhiều lần làm trang trại rau sạch. Đơn cử, vườn rộng 2ha với một sào nhà lưới tiêu tốn khoảng 60 triệu đồng, và phải có tiền ứng trước cho nông dân trồng rau. Song, "xót ruột" nhất là thời gian đầu không bán được nhiều sản phẩm nhưng vẫn phải bao tiêu cho nông dân nên nhiều lúc rau tồn bị hư hỏng, phải đổ bỏ.
Cái khó nữa là ở Việt Nam, thực phẩm organic chưa phổ biến, giá cao vì sức người bỏ vào sản phẩm rất nhiều, không thể dùng máy móc, sản lượng lại chưa cao. Ví dụ, trồng dưa leo 5 vụ nhưng chỉ thu hoạch được 1 vụ vì 4 vụ không đạt tiêu chuẩn về chất lượng như quả có vị đắng, không đẹp.
Thảo tâm sự: "Đi đến bất cứ nước nào tìm hiểu về organic tôi cũng thấy lạc quan, lên tinh thần nhưng khi về nước, nhìn vào kết quả kinh doanh và nhu cầu thị trường, đôi lúc cũng bị nhụt chí. Tuy nhiên, nhờ đam mê, tôi tự động viên mình: "Muốn làm organic thì phải quên đi khó khăn".
Kinh doanh rau organic, cái khó nhất là đầu ra, khi thị trường bùng nổ rau sạch khắp nơi. "Để bảo chứng cho sản phẩm, nhất định phải có chứng chỉ organic. Để có được chứng chỉ này, tôi đem mẫu đất, mẫu nước và mẫu rau sang châu Âu kiểm định, mỗi mẫu mất khoảng 400USD, còn nếu kiểm định ở Việt Nam thì mất khoảng 2 triệu đồng, và tôi thực hiện việc này hằng quý.
Để đạt được chứng chỉ quốc tế, tôi tìm đến một công ty tư vấn của Hồng Kông nhờ họ tư vấn làm sao cho trang trại đạt chuẩn. Hiện tôi đang hoàn thiện trang trại để có chứng nhận đạt chuẩn trong năm nay", Thảo cho biết.
Thảo nói về ước mơ làm phiên chợ organic: "Một mình tôi không thể làm được, hiện nay ở Sài Gòn có một nhóm người đã làm được phiên chợ "Sai Gon Green Fair".

Họ có tiêu chuẩn sản phẩm xanh, GAP, hoặc tiêu chuẩn xanh thân thiện môi trường, họ kết nối để mọi người biết thế nào là sản phẩm xanh. Tuy nhiên, do còn ít người tham gia, nhóm còn khó khăn nên tôi mua hai gian hàng ủng hộ và là nhà tài trợ chính, bởi tôi sẽ cố gắng theo đuổi ước mơ này đến cùng".
Bài đăng trên báo Doanh nhân Sài Gòn http://www.doanhnhansaigon.vn/khoi-nghiep/thao-organic/1090598/

Luật pháp của các cụ xưa

Luật pháp của các cụ xưa đơn giản mà hiệu quả hơn nhiều so với ngày nay.

Ví như có quy định rằng nếu như chủ thầu xây dựng xây nhà cho người ta xong mà nhà bị sập thì chủ thầu bị xử chém. Bởi vì hơn ai hết, chủ thầu xây dựng hiểu ngôi nhà mà anh ta xây cho gia chủ vững chắc đến cỡ nào.

Còn trong việc xây cầu thì những người đứng ra nhận thầu sẽ phải dọn nhà cùng thân quyến của họ về sống dưới chân cầu một thời gian sau khi hoàn thành.

Cho nên nhân vụ cái cầu gì đó có vết nứt thì trong khi chờ đợi kết luận khoa học nhất có thể, cứ bắt ông nào tuyên bố nó an toàn đi làm ngày hai lần qua cầu đó là được.

Cũng tương tự như vậy, bắt bọn đi giảng dạy tay trắng thành triệu phú phải chứng minh bọn nó giàu bằng cách mà nó dạy người ta thay vì bán vé vào nghe chém gió. Hoặc bắt chúng ký quỹ 1 triệu USD để những người đi học xong ra áp dụng mà thất bại thì lấy tiền đó đền bù cho họ.

Nhớ trong phim Game of Thrones, ở phương Bắc gia tộc Stark có nguyên tắc khi người đứng đầu đưa ra quyết định xử trảm ai đó thì người đó phải thực hiện việc chém đầu nạn nhân.

Những vị tướng xưa kia luôn dẫn đầu đoàn quân ra trận và chiến đấu với kẻ thù chứ không ngồi phòng máy lạnh nhắn tin bằng iphone cho quân lính.

Người ta ước lượng rằng mỗi khi Napoleon ra trận thì tương đương với việc chi viện thêm 20.000 quân.

Không có ai chịu trách nhiệm, hoặc làm gì ảnh hưởng đến sinh mạng và sức khỏe người khác mà không bị xử lý dẫn tới việc người ta nói gì thì nói.

PS: Status này có mục đích chém gió nên người viết không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin :)))

Đất nước ta lắm người tài

Đất nước ta địa linh nhân kiệt, đại khái là lắm người tài. Và tài năng ấy ngày thường thì im lìm, ẩn đật nhưng chợt bùng lên khi có một sự việc kinh khủng xảy ra. Khi đó chúng ta sẽ chết ngợp bởi tình trạng trăm hoa đua nở của các loại nhân tài trí thức ở đủ mọi trình độ chuyên môn xông vào phân tích, mổ xe, phán xét, quy kết, chửi bới,... cho ra vấn đề mới thôi.

Ví như có một vụ án giết người nghiêm trọng nào đó xảy ra, ta chợt nhận ra rằng người bạn bên cạnh ta cả năm không nói một câu nào hợp logic bỗng trở thành thánh phán từng đường đi nước bước của thủ phạm. Hay một ông bạn nào đó cả đời không bao giờ dám nêu chính kiến của mình, nịnh bợ sếp trên, chơi đểu đồng nghiệp bỗng trở thành một nhà đạo đức, một nhà văn hóa... khi bàn về tình trạng xuống cấp của xã hội, phân hóa giàu nghèo, giáo dục băng hoại... của con người VN nói chung.

Rồi hằng hà sa số các loại chuyên gia tâm lý học tội phạm, nghiệp vụ điều tra chỉ dẫn cho công an phải làm gì, phải điều tra ra sao đến cả những kẻ đục nước béo cò, theo đóm ăn tàn, lợi dụng sự đau đớn thương tâm của người khác để trục lợi cá nhân (một comment trên báo viết: "Thật là linh thiêng. Đúng như những người ấy đã báo mộng cho mình"). Chưa kể hẳn sẽ có kẻ tâm thần nào đó gọi điện tới đường dây nóng của công an nói rằng chính hắn là thủ phạm để được nổi tiếng, hệt như cách mà bọn tâm thần hoặc đám khủng bố hay làm.

Thôi kết quả thế nào cứ đợi công an và tòa án giải quyết. Nhưng kinh nghiệm của một thám tử trong phim Mỹ mà mình xem là mỗi khi có vụ án mạng xảy ra thì tốt nhất là cứ nhốt hết cái đám nhiều chuyện ấy lại cho chúng nó tự lý giải và suy đoán. Kết quả cuối cùng là chúng sẽ giết lẫn nhau. (Nhắc lại đây là lời của thám tử trong phim Mỹ nhé).

Đến khi công an tuyên bố bắt được thủ phạm thì có cả một làn sóng thất vọng. Sao mà nhanh thế, dễ dàng thế, nghi phạm gì mà trẻ thế, đẹp trai thế, hiền lành thế... cứ như là họ biết thủ phạm là ai, hình dáng, bề ngoài như thế nào, có những đặc tính cá nhân gì vậy.

Sẽ phù hợp và yên lòng công chúng hơn nếu hai kẻ bị bắt từng có tiền án tiền sự, hay chí ít là nhìn mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình. Những suy luận kiểu như vậy rất hay xảy ra và người ta gọi là lỗi suy đoán dựa vào kinh nghiệm cá nhân (theo Daniel Kahneman, nhà tâm lý học đạt giải Nobel kinh tế năm 2002 thì trực giác của con người bị dẫn dắt bởi tập hợp những khuôn mẫu về một nghề nghiệp nhất định nào đó).

Có một điều mà đám đông đúng: xã hội đang ngày càng trở nên bất ổn hơn. Một thống kê mà mình vừa được nghe (chưa kiểm chứng) là tại VN vừa qua thì có đến 75% số vụ phạm tội là do các đối tượng phạm tội lần đầu thực hiện. Điều đó cũng có nghĩa rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành tội phạm chứ không chỉ là những hình mẫu xấu xa như trong truyện cổ tích ngày xưa nữa.

Sống trong xã hội bất ổn, con người trở nên mong manh nhưng cũng manh động hơn. Thay vì suy nghĩ và hành động theo kiểu “suy đoán vô tội”, người ta sẽ chuyển sang hướng “suy đoán có tội” để tự bảo vệ mình. Bạn không thể ra công viên và nhìn thấy một anh chàng đẹp trai đeo kính nào đó và nghĩ rằng anh ấy là người tốt. Thực ra suy đoán vô tội trong tình huống này có nghĩa là vì ta chưa nhìn thấy ai đó phạm tội thì hãy nghĩ họ là người tốt (vô tội). Còn bây giờ, để tồn tại, hãy suy nghĩ theo hướng ngược lại: vì thấy ai đó không phạm tội không có nghĩa là họ chưa phạm tội. Vì vậy, hãy đề phòng!

Cách suy nghĩ này làm cho con người trở nên mệt mỏi vì luôn ở trong tình trạng phải đề phòng và thủ thế. Nhưng cũng không phải là hành động phi lý trí. Xã hội đang đẩy chúng ta hành động theo những thứ mà tổ tiên ta đã làm (và rất thành công để chúng ta có mặt trên đời ngày hôm nay). Khi một người cổ xưa nhìn thấy con hổ, họ sẽ không suy đoán rằng do chưa thấy con hổ này giết người nên nó sẽ không ăn thịt họ. Thay vào đó họ chạy.

Ở thời xưa thì con người trên cả hành tinh này đều đối mặt với những nguy hiểm tương tự và hành động như nhau. Cớ sao ngày nay chỉ có chúng ta phải hành động như các cụ nhà mình? Xã hội nào mà con người ta dễ dàng phạm tội đến như thế?

----------------
Thông tin trong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết và không nhất thiết là quan điểm của cơ quan nơi tôi làm việc. Mọi sự suy đoán là mắc phải sai lầm suy đoán dựa vào kinh nghiệm cá nhân.

7/8/15

Ở đất nước có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới

Trong một ngõ nhỏ quanh co ở một đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới và có nhiều tượng đài tốn tiền nhất thế giới


4/8/15

USPEEC phủ nhận bán phá giá thịt gà tại Việt Nam

TTO - Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Hoa Kỳ (USPEEC) vừa có thông cáo báo chí phủ nhận việc bán phá giá thị gà Mỹ tại Việt Nam trước thông tin một số hiệp hội chăn nuôi và báo chí Việt Nam đã đưa thời gian qua.
Liên tục 11 tháng qua, các chủ trại gà công nghiệp đều bán với giá thấp hơn giá thành. Trong ảnh là một trại gà công nghiệp tại Tân Phú, Đồng Nai - Ảnh: Trần Mạnh
Liên tục 11 tháng qua, các chủ trại gà công nghiệp đều bán với giá thấp hơn giá thành. Trong ảnh là một trại gà công nghiệp tại Tân Phú, Đồng Nai - Ảnh: Trần Mạnh
Theo ông Jim Sumner, chủ tịch USPEEC, một số phần thịt của gà Mỹ được bán tại VN ở mức giá tương tự hoặc cao hơn so với mức giá ở Hoa Kỳ, do đó theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, các sản phẩm thịt gà này không bị bán phá giá.
Hai phần ba lượng đùi gà góc tư sản xuất ở Hoa Kỳ được tiêu thụ tại nội địa, số còn lại được xuất khẩu tới hơn 125 quốc gia trên thế giới, trong đó có VN ở mức giá thấp hơn so với giá của lườn gà (ức gà) và cánh gà nhưng với giá bán tương tự tại Mỹ.
Các sản phẩm gia cầm của Hoa Kỳ được xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là đùi gà góc tư, đùi gà, và chân gà.
Ông Sumner cũng cho biết tất cả sản phẩm gia cầm của Mỹ đều được kiểm tra bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ngành gia cầm Hoa Kỳ không có lợi ích trong việc cạnh tranh với ngành gia cầm VN, hoặc trong việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm sản xuất nội địa, bởi vì sự gia tăng tiêu thụ sản phẩm gia cầm có lợi cho tất cả mọi người, ông Sumner nói.

Sự chuyên nghiệp của người Mỹ

Các cơ quan của Mỹ liên kết với nhau rất chặt chẽ và hoạt động chuyên nghiệp. VN vừa mới có ý định điều tra chống bán phá giá và đến nay thì chưa có gì cụ thể cả thì phía Mỹ đã có công văn phản đối.

Vậy mà suốt mấy ngày qua, hầu hết các chuyên gia kinh tế (thực tế phải gọi là là kỹ sư kinh tế thì đúng với tâm và tầm của họ hơn) cũng như các chuyên gia luật đều lên tiếng với các giọng điệu như:

-Không dễ kiện đâu!


-Kiện không được đâu!
-Tốn kém lắm (Dân người ta bỏ tiền ra chứ có phải xin của mấy bố đâu?)

-Không đủ bằng chứng đâu! (Chưa làm sao biết hả ông nội?)

-Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp (ủa doanh nghiệp có quyền yêu cầu nhà nước bảo vệ họ chứ, họ có yêu cầu nhà nước kiện thay đâu)

-Chăn nuôi phải hi sinh cho hội nhập
...
Bất ngờ nhất là một bác Cục phó Cục chăn nuôi còn bảo giá thành gà của VN lên đến 29.000 đồng/kg và bác ấy thấy ngoài thị trường gà Mỹ bán với giá trên 30.000 đồng/kg chứ chưa thấy gà 20.000 đồng/kg.

Quản lý ngành chăn nuôi mà thông tin cập nhật thế này thì dân chết, dân chết!!!

Thật tuyệt vời! Không thể tin được!

3/8/15

Mưa lũ ở Quảng Ninh

Quê vợ đang bị mưa lũ, bùn, than ngập nhiều nơi. Nhiều người chết, nhiều gia đình tan nát, tài sản tan tành,...

Nhưng sau vụ việc này, các công ty khai thác than, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, các cơ quan bộ ngành liên quan và chính phủ sẽ làm gì đó mới quan trọng.

Chắc chắn sẽ có hai ý tưởng:

1-Đây là thảm họa thiên tai cả trăm năm mới xảy ra một lần, và nguyên nhân của nó chắc chắn có liên quan đến việc chặt hết rừng, khai thác bừa bãi, không có phương án đối phó với thảm họa.

Vì vậy rút kinh nghiệm, cần phải đưa vào các thể loại dự án những phương án đối phó lớn gấp 10 lần thảm họa này.

2-Đây là thảm họa cả trăm năm mới có một lần nên... lo quái gì. Cả trăm năm nữa nó mới xuất hiện trở lại cơ mà.

Đa số thì người ta sẽ đi theo hướng thứ 2 và thảm họa lần tới sẽ đến sớm hơn và kinh khủng hơn nhiều.